Công nghệ RFID
RFID là viết tắt của cụm từ Radio Frequency Identification, nghĩa là việc nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến. Hệ thống này gồm 3 bộ phận chính: thẻ RFID (tag), thiết bị đọc thẻ RFID (hay còn gọi là đầu đọc – reader) và các phần mềm vi tính. Thẻ RFID được gắn lên đến đối tượng cần theo dõi. Thẻ này có thể đính lên bất cứ sản phẩm nào, từ vỏ hộp đồ uống, đế giày, quần jean cho đến trục ôtô, các thùng chứa hàng hay kể cả người và động vật, vân vân. Các thẻ RFID được gắn chip nhỏ và anten siêu nhỏ bên trong nên khi đưa vào vùng điện trường của thiết bị đọc thẻ, thẻ sẽ nhận năng lượng để kích hoạt và truyền dữ liệu từ chip vào thiết bị đọc thẻ RFID, sau đó dữ liệu được chuyển về máy tính qua cổng giao tiếp. Bên cạnh đó, thẻ này đóng vai trò như thẻ nhớ của máy tính, do đó nó có thể được cập nhật dữ liệu nhiều lần. Bộ nhớ con chip có thể chứa từ 96 đến 512 bit dữ liệu, nhiều gấp 64 lần so với một mã vạch. Dung lượng lưu trữ cao của những thẻ nhãn RFID thông minh này sẽ cho phép chúng cung cấp nhiều thông tin đa dạng như thời gian lưu trữ, ngày bày bán, giá và thậm chí cả nhiệt độ sản phẩm. Các công ty chỉ việc sử dụng máy tính để quản lý các sản phẩm từ xa. RFID có thể thay thế kỹ thuật mã vạch hiện nay do RFID không chỉ có khả năng xác định nguồn gốc sản phẩm mà còn cho phép nhà cung cấp và đại lý bán lẻ biết chính xác hơn thông tin những mặt hàng trên quầy và trong kho của họ.
Mô hình tổng quan hệ thống RFID
Các công ty bán lẻ sẽ không còn phải lo kiểm kho, không sợ giao nhầm hàng và thống kê số lượng, mặt hàng sản phẩm đang kinh doanh của các cửa hàng. Hơn nữa họ còn có thể biết chính xác bên trong túi khách hàng vào, ra có những gì. Khi một RFID được gắn vào một sản phẩm, ngay tức khắc nó sẽ phát ra các tín hiệu vô tuyến cho biết sản phẩm ấy đang nằm ở chỗ nào, trên xe đẩy vào kho, trong kho lạnh hay trên xe đẩy của khách hàng. Do thiết bị này được nối kết trong mạng vi tính của cửa hàng nên nhờ vậy các nhân viên bán hàng có thể biết rõ sản phẩm ấy được sản xuất khi nào, tại nhà máy nào, màu sắc và kích cỡ của sản phẩm; để bảo quản sản phẩm tốt hơn thì phải lưu trữ nó ở nhiệt độ nào.
RFID được ứng dụng trong các lĩnh vực: quản lý đối tượng, nhân sự; quản lý hàng hóa bán lẻ trong siêu thị; nghiên cứu động vật học; quản lý hàng hóa trong xí nghiệp, kho hàng...; quản lý các phương tiện giao thông qua trạm thu phí; lưu trữ thông tin bệnh nhân trong y khoa; làm thẻ hộ chiếu, chứng minh nhân dân, vân vân. Các công ty đã và đang áp dụng RFID vào quản lý kinh doanh, kho hàng, kiểm soát tồn kho như Wal-mart, Boeing, Toyota, Harley Davidson, ... Walmart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bằng cách tìm kiếm mọi cơ hội để có chuỗi cung ứng hiệu quả hơn và giảm chi phí nhằm thực hiện tốt khẩu hiệu “giá rẻ mọi ngày”. Walmart đã dùng công nghệ RFID được gần một thập kỷ và chỉ ra nhiều lợi ích, trong đó có quản lý tồn kho (dự trữ) hiệu quả hơn. Theo nghiên cứu của một trường đại học thực hiện tại Walmart, RFID giảm khoảng 30% nguy cơ thiếu hàng. Công nghệ này cũng giúp công ty đảm bảo an ninh tồn kho, giảm chi phí lao động, đơn giản hóa quy trình kinh doanh và tăng độ chính xác trong kiểm soát tồn kho. Năm 2004, Boeing tích hợp công nghệ RFID nhằm giảm chi phí tồn kho và bảo trì đối với loại máy bay Boeing 787 Dreamliner. Với chi phí cao của các bộ phận máy bay, công nghệ RFID cho phép Boeing theo dõi tồn kho bất kể các trở ngại về kích thước, hình dạng và môi trường. Qua suốt 6 tháng tích hợp, công ty đã có thể tiết kiệm chi phí lao động 29,000 USD.
Ở Việt Nam, công nghệ RFID đang được ứng dụng trong các lĩnh vực: kiểm soát vào - ra; chấm công điện tử; quản lý phương tiện qua trạm thu phí; kiểm soát bãi đỗ xe tự động; logistics. Tuy nhiên, lợi ích mà RFID đem lại được thể hiện rõ nhất trong hệ thống theo dõi, giám sát và truy xuất sản phẩm (traceability system). Hệ thống mạng cùng với công nghệ RFID, hệ thống theo dõi, giám sát và truy xuất sản phẩm (traceability system), khi đến tay người tiêu dùng (bao gồm tất cả các công đoạn: Tạo giống, ươm, nuôi trồng, chế biến, chuyên chở và phân phối). Những con chip RFID siêu nhỏ sẽ được gắn trên từng giai đoạn của sản phẩm nhằm ghi lại các thông số kỹ thuật của quy trình một cách tự động và được phần mềm chuyên dụng ghi lại kết quả nhằm làm cơ sở đảm bảo truy xuất được sản phẩm trong chuỗi giá trị, nhanh chóng tìm được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại bất cứ đâu trong vòng 1 giờ. Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra đối với sản phẩm thì ngay lập tức doanh nghiệp có thể truy xuất ngược lại để tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời. Việc áp dụng công nghệ RFID trong truy xuất nguồn gốc thuỷ sản đem lại rất nhiều lợi ích, nhất là đối với người tiêu dùng, vì công nghệ này góp phần kiểm soát được an toàn vệ sinh vùng nuôi, kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, chứng nhận sản phẩm không mang mầm bệnh, người tiêu dùng có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình sử dụng như là nuôi ở đâu, điều kiện môi trường như thế nào, dùng thức ăn gì... Do đó, tạo được tâm lý an toàn cho người tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sử dụng hệ thống này, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào các nước có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.